(Quỹ HTND) - Thực hiện mục đích tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, thời gian qua, ngân hàng CSXH đã phối hợp cùng Hội Nông dân Lâm Đồng họp giao ban định kỳ, nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện uỷ thác cho vay. Thông qua các ý kiến đề xuất nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tiến hành bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng và thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng nguồn vốn chính sách.
5 năm gần đây, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH cho 47 nghìn hội viên vay trên 800 tỷ đồng, chiếm 35% tổng nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH; đồng vốn vay được đưa vào phục vụ thâm canh trồng trọt, chăn nuôi, tạo thêm nhiều việc làm trong khu vực nông thôn.
Cùng với 9 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH huyện Cát Tiên đã triển khai tốt, bài bản việc cho vay hộ cận nghèo, mở ra nhiều cơ hội giúp các hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Tìm hiểu về hiệu quả thực hiện ủy thác nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH cho nông dân nghèo trên địa bàn huyện Cát Tiên, đồng chí Thạch Cảnh Dân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Hội Nông dân huyện Cát Tiên hiện có 74 tổ TK & VV với 4.044thành viên đang vay vốn từ các chương trình giải quyết việc làm, vay hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, đồng bào dân tộc vùng khó khăn, học sinh, sinh viên... với tổng số tiền 65.254.400.000 đồng. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp cho khoảng 2.000 HSSV có điều kiện học tập tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; tạo thêm việc làm cho hơn 3.000 lao động, giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, 130 hộ có hoàn cảnh khó khăn đã từng bước vươn lên thoát nghèo, 87 hộ sử dụng vốn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Cũng chung niềm vui đó, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh- Hoàng Hồng Giang cho biết thêm: Hiện tại huyện Hội đang nhận ủy thác 11 chương trình tín dụng ưu đãi, quản lý 77 tổ TK & VV với số thành viên 2.470 hộ, tổng dư nợ là 57.958 triệu đồng, tăng 960.434.300 đồng. Trong đó, có 77/77 tổ TK & VV đã triển khai huy động gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ (đạt 100%), số thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm là 1.976 hộ, chiếm 80%. So với tổng số hộ vay, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm là 1.232 triệu đồng, tính bình quân khoảng 500.000 đồng/hộ.
Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện dịch vụ ủy thác thông qua các cấp Hội không chỉ là phương tiện để tổ chức Hội đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành, phối hợp của đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở thực hiện tốt hơn chức năng đại diện quyền, lợi ích chính đáng của hội viên. Qua đó, còn phát huy các phong trào của Hội, hội viên ngày càng gắn bó, tin tưởng và tìm đến với Hội nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, phương thức uỷ thác này hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong việc thực hiện chủ trương xã hội hoá kênh tín dụng chính sách, phát huy những điểm mạnh của Ngân hàng- tổ chức tài chính chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay và thu hồi vốn vay theo quy định; một bên là tổ chức Hội- có mạng lưới ở tất cả các địa bàn; cùng góp sức trong tuyên truyền chủ trương chính sách, bình xét cho vay, hướng dẫn, giám sát sử dụng vốn vay và vận động, đôn đốc hoàn trả vốn, lãi. Trong đó, lấy việc phục vụ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh là động lực chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tốc độ tăng trưởng dư nợ của Hội Nông dân còn thấp và chưa đồng đều giữa các huyện, thành. Một số huyện, thành tốc độ tăng trưởng dư nợ chậm, cá biệt có đơn vị không tăng dư nợ mà còn có chiều hướng giảm, trong khi đó nợ quá hạn còn cao. Chất lượng hoạt động của Tổ TK & VV có nơi chưa tốt, tổ trưởng thực hiện chưa đầy đủ các nội dung công việc theo hợp đồng ủy nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác ở một số huyện, thành Hội chưa thực hiện thường xuyên, nhất là việc kiểm tra sau khi cho vay, đôn đốc hộ vay trả nợ lãi. Thêm nữa, chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, nhất là chưa phản ánh kịp thời những khó khăn, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện.
Năm 2015, Hội Nông dân các cấp cần tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra thực hiện ủy thác, đẩy mạnh triển khai việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK & VV. Cần phối hợp với Ngân hàng CSXH tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác, cán bộ Tổ TK & VV để phổ biến nội dung những văn bản mới về nghiệp vụ gửi tiền của tổ viên Tổ TK & VV.
Đồng thời với đó là tăng cường công tác tuyên truyền để hộ vay hiểu rõ về vốn tín dụng chính sách, đảm bảo việc bình xét vay vốn được thực hiện công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm, ý thức trong việc sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả vốn vay (cả gốc và lãi) đầy đủ, đúng hạn. Phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp đánh giá phân loại, củng cố và sắp xếp tổ TK & VV, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK & VV với tỉ lệ xếp loại tốt đạt ít nhất 70% trở lên, không có Tổ TK & VV xếp loại trung bình, kém.
Quý I năm 2015, Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng cũng đã có kế hoạch phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng lồng ghép với chuyển giao tiến bộ KHKT nhằm nâng cao hiệu quả của đồng vốn chính sách; kiện toàn hoạt động các Tổ TK & VV, tổ chức việc giao dịch tại xã đi vào nề nếp, đúng quy trình nghiệp vụ và thời gian giao dịch để giúp cho các thông tin, chính sách tín dụng mới được công khai, đầy đủ, kịp thời và đạt hiệu quả trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, xóa nghèo bền vững.
Anh Vũ